Châm cứu chữa đau gối

Châm cứu chữa đau khớp gối: công dụng, cách châm cứu và lưu ý

Đau khớp gối là dấu hiệu của bệnh gì?

Đầu tiên, trước khi khám phá châm cứu chữa đau khớp gối, chúng ta cần tìm hiểu cấu tạo, thành phần của khớp gối.

Cấu tạo của khớp gối

Đầu gối được tạo thành bởi 3 xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè.

Với cấu tạo các mặt khớp là khớp giữa xương đùi và xương chày. Đây là loại khớp khớp lồi cầu. Ngoài ra, còn có các sụn chêm trong và ngoài làm nhiệm vụ như chêm để hỗ trợ khớp gối vận động.

Các phương tiện nối khớp

Khớp gối là một trong những khớp vận động nhiều trong cơ thể người nên có hệ thống nối khớp đa dạng. Bao gồm:

  • Bao khớp.
  • Hệ thống dây chằng: Ở vùng gối, hệ thống dây chằng khá đa dạng, gồm có Dây chằng trước, Dây chằng sau, Dây chằng bên, Dây chằng chéo.
  • Bao hoạt dịch.
  • Các cơ vùng gối: đầu tận của cơ nhị đầu đùi, đầu tận của cơ bán gân và bán màng và cơ bụng chân.

Nguyên nhân gây đau khớp gối

Để biết tác dụng của châm cứu chữa đau khớp gối, chúng ta cần điểm qua các nguyên nhân. Đau khớp gối có thể do chấn thương, vấn đề cơ học hoặc tình trạng bệnh lý.

  • Do chấn thương: Gãy xương, giãn hoặc đứt dây chằng, rách sụn chêm, viêm túi hoạt dịch quanh gối, viêm gân bánh chè.
  • Do nguyên nhân cơ học: Dị vật trong khớp (do viêm, thoái hóa khớp gối làm cho sụn khớp bị bong ra và trở thành dị vật đối với khớp gối); Hội chứng dải chậu chày; Trật bánh chè; Đau nguyên do từ khớp háng hoặc cổ chân.
  • Do các loại viêm khớp: Có rất nhiều loại viêm khớp khác nhau. Các loại phổ biến gồm: Viêm khớp thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do gút, viêm khớp giả gút, viêm khớp nhiễm trùng.
  • Do các bệnh lý khác: Đau khớp xảy ra ở vận động viên trẻ, ở người có tuổi có thể trở thành thoái hóa khớp.
  • Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ bao gồm: thừa cân, béo phì; xơ cứng cơ hoặc yếu cơ; một vài môn thể thao đặc thù; tiền căn chấn thương trước đó….
     

    Đau khớp gối có rất nhiều nguyên nhân
    Đau khớp gối có rất nhiều nguyên nhân

Chẩn đoán đau khớp gối

Việc chẩn đoán nguyên nhân đau khớp gối phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sau:

  • Dựa vào bệnh sử: hoàn cảnh gây đau, thời gian đau, vị trí đau, …
  • Khám các dấu hiệu có tổn thương dây chằng, cơ, sụn, bao khớp, …
  • Ngoài ra, còn có dấu hiệu trên chẩn đoán hình ảnh học như X quang, Siêu âm, cộng hưởng từ MRI, …

Vì vậy, để chẩn đoán đau khớp gối, người bệnh cần đến thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Châm cứu chữa đau khớp gối có thật sự hiệu quả?

Đau khớp gối có rất nhiều nguyên nhân như đã kể trên. Đối với các trường hợp đau khớp gối như gãy xương, đứt dây chằng, dị vật nội khớp,… thì người bệnh cần can thiệp ngoại khoa để gắp bỏ dị vật, nối liền vết đứt gãy xương, dây chằng.

Đối với các trường hợp đau khớp gối do thoái hóa khớp, viêm gân,… châm cứu chữa đau khớp gối đã được chứng minh hiệu quả.

Cơ chế tác dụng của châm cứu chữa đau khớp gối

Mục tiêu điều trị đau khớp gối là giảm đau, giảm viêm, tăng sức mạnh của nhóm cơ từ đó tăng tính vững chắc cho khớp gối.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO có 28 tình trạng bệnh lý mà châm cứu đã được chứng minh là một phương pháp điều trị hiệu quả thông qua các thử nghiệm lâm sàng. Cơ chế tác dụng của châm cứu giúp giảm đau, giảm viêm, tăng lưu thông tuần hoàn đến các nhóm cơ nhằm tăng cường sức mạnh cho cơ.

Trong đó giảm đau,  châm cứu chữa bệnh này giúp tiết ra những hoạt chất tương tự như nhóm thuốc opioid, kích thích cơ thể tiết endorphin một cách tự nhiên; đồng thời, kích thích châm kim là một tín hiệu giúp các cơ đang căng cứng được thư giãn. Chính hoạt động này trong cơ thể là cơ chế kéo dài hiệu quả giảm đau của châm cứu.

 

Châm cứu giúp cải thiện các triệu chứng của đau khớp gối
Châm cứu giúp cải thiện các triệu chứng của đau khớp gối

Cách châm cứu điều trị đau khớp gối

Chống chỉ định

Cơ thể suy yếu, người có sức đề kháng kém, phụ nữ có thai.

Không châm vào những vùng huyệt đang viêm nhiễm, vết lở loét ngoài da.

Tình trạng viêm sốt toàn thân, viêm khớp nhiễm trùng.

Cách châm

Thường hào châm, điện châm. Tùy tình trạng có thể thêm các phương pháp khác như cứu ngải, nhĩ châm,…

Các huyệt tại chỗ như Độc tỵ, Tất nhãn, Túc tam lý, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Hạc đỉnh, Huyết hải, Lương khâu,…

Ngoài ra, tùy vào từng thể bệnh theo Y học cổ truyền mà thầy thuốc có công thức huyệt gia giảm nhằm mục đích bổ trợ các cơ quan trong cơ thể hoạt động trở lại bình thường.

Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa đau khớp gối

Châm cứu điều trị đau khớp gối giống như những phương pháp điều trị khác. Người bệnh cần có những lưu ý nhất định để đạt hiệu quả điều trị, phòng ngừa tái phát và biến chứng nặng hơn.

Một số gợi ý sau sẽ giúp phòng ngừa được đau khớp gối:

  • Tránh tăng cân quá mức: Khớp gối là nơi chịu trọng lượng của cơ thể. Tình trạng thừa cân, béo phì không chỉ gây những bệnh lý chuyển hóa mà còn gây tổn hại đến khớp gối. Khớp gối phải làm việc quá tải, lâu ngày, việc tổn thương gây thoái hóa khớp gối là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, hãy theo dõi, duy trì cân nặng trong ngưỡng cho phép.
  • Tư vấn và chọn những môn thể thao phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý của bản thân: Mức độ tập luyện một cách phù hợp khi chơi những môn thể thao yêu thích nhằm duy trì sức mạnh và độ linh hoạt của gân cơ. Lưu ý cần khởi động, tập giãn cơ hợp lý trước khi chơi thể thao. Hãy tập thể dục thể thao một cách thông minh
  • Sử dụng thực phẩm chức năng như glucosamine và chondroitin có thể cải thiện tình trạng đau khớp gối do thoái hóa khớp.
     

    Luyện tập thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe
    Luyện tập thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe

Đau khớp gối do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Do đó, việc xác định rõ ràng từng nguyên nhân sẽ giúp cho điều trị nói chung và châm cứu nói riêng đạt hiệu quả hơn. Quý bạn đọc muốn điều trị đau khớp gối bằng phương pháp châm cứu; hãy đến cơ sở y tế được cấp phép.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *